Trong cuộc sống, có những ngày tôi phấn chấn, tràn đầy năng lượng. Dường như tôi có rất nhiều ý tưởng và có thể hoàn thành mọi thứ một cách tuyệt vời nhất. Nhưng cũng có những ngày mức năng lượng ở mức trung bình, tôi chỉ làm việc như mọi thứ đã được lập trình sẵn. Dù hoàn thành công việc nhưng cũng chẳng có mấy cảm xúc buồn vui.
Tệ hơn nữa, thi thoảng, có ngày tôi muốn từ bỏ mọi thứ mình đang cố gắng. Mọi cảm giác tệ hại nhất như chán nản buông xuôi mệt mỏi đều tìm đến tôi cùng một lúc. Liệu bạn có từng trải qua những cảm giác như vậy trong cuộc đời? Bạn đã làm gì khi đối mặt với những khoảnh khắc đó?
Có những ngày chán nản buông xuôi mệt mỏi…
Bạn không muốn tiếp tục:
- Làm công việc yêu thích của mình. Ví dụ như với tôi là viết lách. Có những ngày tôi thực sự cảm thấy chán nản và không có tâm trạng để viết
- Những thói quen tốt có ích cho sức khỏe. Ví dụ như với tôi là việc đi bộ cầu thang, ăn những món ăn tốt cho cơ thể, có nguồn gốc thực vật, ít dầu mỡ, hạn chế thức ăn sẵn.
- Con đường sự nghiệp của mình. Với tôi là từ bỏ blog này vì nghi ngờ tính khả thi, lo lắng cho tương lai của bản thân. Ngoài ra còn là bởi suy nghĩ tiêu cực khi so sánh với thành công của người khác. Rồi buồn bã vì lượt tương tác, vân vân và mây mây.
- Tư duy tích cực. Cảm thấy những điều tích cực mình tin tưởng và xây dựng không có ý nghĩa và tác dụng gì hết.
- … (Nhiều điều nữa, dành cho bạn kể tên).
Đâu có thể là giải pháp cho mỗi chúng ta?
Nếu bạn đã từng trải qua những tình huống tương tự, có lẽ, bạn sẽ cần đến một điều. Đó là “Grit”. Grit, theo định nghĩa của Angela Duckworth, tác giả cuốn sách cùng tên, bán chạy nhất New York Times, là “đam mê và kiên trì theo đuổi mục tiêu dài hạn”.
“Một trong những cách giúp bạn hiểu grit là gì, đó là hãy định nghĩa điều ngược lại. Grit không phải là tài năng, không phải là may mắn. Nó cũng không phải là việc bạn mong muốn mãnh liệt một điều gì đó ở thời điểm hiện tại”.
“Thay vào đó, grit là điều mà các nhà nghiên cứu gọi là “ mục đích cuối cùng”. Mục tiêu mà bạn quan tâm nhiều đến mức, giúp bạn định hướng và mang lại ý nghĩa cho mọi việc bạn làm. Grit còn có nghĩa là kiên định với mục tiêu đó. Kể cả khi bạn gặp phải những khó khăn, thử thách và thất bại. Ngay cả khi bạn mắc sai lầm, khiến mọi thứ rối tung rối mù không kiểm soát. Cả khi tiến độ hướng tới mục tiêu của bạn đang dậm chân tại chỗ hoặc chậm lại”.
“Tài năng và may mắn đóng vai trò quan trọng trong thành công. Nhưng tài năng và may mắn không thể mang đến cho bạn grit. Trên con đường dài phía trước, tôi nghĩ grit có tầm quan trọng ít nhất là ngang hàng với tài năng và may mắn, nếu không muốn nói là nhiều hơn” – Một đoạn trích giải thích về Grit trên website của Angela Duckworth.
Vậy bạn có thể hiểu nôm na, grit chính là kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng, dù có bất kỳ điều gì xảy ra.
Để gan góc, kiên cường theo đuổi mục tiêu đến cùng
Nhớ lại lý do mình đã bắt đầu
Ralph Marston từng nói: “Hãy nhớ tại sao bạn bắt đầu, nhớ rằng bạn đang đi đến đâu, nghĩ về việc tuyệt vời thế nào khi mình đặt chân đến đó, và tiếp tục cố gắng”. Khi gặp những vấn đề khó khăn, tôi thường nhớ lại lý do mình bắt đầu. Thật may, trước khi quyết định điều gì đó, tôi thường viết vào nhật ký. Xem lại những lý do khiến mình bắt đầu làm tôi dao động.
Lúc đó có thể tôi sẽ nghĩ: “Liệu có còn quá sớm để bỏ cuộc? Hay cố gắng thêm chút nữa”. Hình ảnh mà tôi thường liên tưởng lúc này là bức tranh một người bỏ cuộc khi chỉ còn cách mỏ vàng một nhát cuốc. Đây chính là điểm bắt đầu khiến tôi dần dần dịch chuyển suy nghĩ của mình.
Nhìn lại hành trình đã qua
Theo dòng chảy của cảm xúc, tôi nhớ về những điều đã trải qua. Dù có những chút vướng bận, hoài nghi, nhưng cũng có lúc bộ não của tôi tua chậm đến khoảnh khắc hạnh phúc. Nhiều khi muốn ngừng viết, tôi chợt nhớ đến những lời động viên của độc giả. Như điều kỳ diệu của luật hấp dẫn, bằng cách nào đó, tôi nhận được tin nhắn cảm ơn chân thành từ bạn đọc. Tôi dần cảm thấy khá hơn và lạc quan hơn với công việc của mình.
Nhớ về những điều đã trải qua, những chua cay ngọt bùi từng nếm trải, có lẽ, bạn sẽ có thêm một chút tích cực để tiếp tục. Bởi lẽ, bạn thấy tiếc những gì bản thân đã gây dựng và cố gắng. Biết đâu đấy, bạn sẽ nghĩ mọi chuyện cũng không đến nỗi tệ như vậy. Và rồi, bạn nhìn thấy le lói chút ánh sáng để viết tiếp câu chuyện của mình.
Chú ý: Những ý tưởng tiếp theo đây không phải là của tôi. Đây là những điều tôi học được từ James Clear. Một số đoạn được đặt trong ngoặc kép là phần tôi chuyển ngữ từ bài viết của James. Phần còn lại là những suy nghĩ của chính tôi khi trải nghiệm những gợi ý này từ James. Tôi đã thực hành những điều này được một thời gian và cảm nhận được thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình.
Tâm trí bạn chỉ là công cụ gợi ý
Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa rằng, suy nghĩ của bạn chỉ là gợi ý để bạn tham khảo mà thôi. Chúng không phải là những mệnh lệnh bạn cần tuân theo. Bởi vậy, bạn luôn có thể đưa ra những lựa chọn cho cuộc đời mình.
Nếu bạn dừng lại một chút, như tôi đã nói phía trước, bạn có thể nhận ra bộ não cũng đưa ra cho bạn vài gợi ý khác nữa. Ngoài những gợi ý rằng bạn mỏi mệt, cần nghỉ ngơi, liệu đâu đó trong bạn vẫn còn vang lên những tiếng nói yếu ớt: “Hay là cố thêm chút nữa, sắp xong rồi”. “Viết thêm một bài này thôi, rồi kệ ra sao thì ra”. “Làm một lần nữa thôi rồi bỏ cũng được”. Bạn đã từng nghe thấy những tiếng nói như vậy? Tôi đoán, chắc là có.
Tôi nghĩ rằng, chúng ta luôn có quyền lựa chọn cho mình. Mỗi một giây phút trôi qua, bạn đều đang đưa ra những lựa chọn cho cuộc sống. Những lựa chọn trong những giờ phút như vậy dần dần tạo nên cuộc sống và chính con người bạn. Nếu như hôm nay bạn không lựa chọn tỉnh táo, có thể một lúc nào đó, bạn sẽ hối tiếc vì những việc bạn chưa làm.
Bởi vậy, rất nhiều lần trong khoảng thời gian 4 tháng vừa qua, tôi lựa chọn tiếp tục viết bài, trung thành với thói quen viết tôi đã cố gắng tạo ra. Dù có những ngày tôi không muốn viết, không có cảm xúc để viết, tôi vẫn ngồi vào bàn, viết những gì mình nghĩ. Đôi khi những dòng đầu tiên nguệch ngoạc tôi viết lúc bắt đầu đó, tôi không thể sử dụng được gì và phải bỏ đi tất cả. Nhưng nếu không có sự bắt đầu cần thiết đó, tôi đã không thể hoàn thành bài viết của mình.
Cảm giác không thoải mái chỉ là tạm thời
Nếu như bạn nhìn lại, thì những cảm giác khó chịu, không thoải mái chỉ là tạm thời. Khi hiểu được điều này, bạn sẽ thấy dễ dàng vượt qua hơn. Chịu khó thêm 3 phút dọn dẹp bàn làm việc. Thêm 10 phút khó chịu tập thể dục có ích cho sức khỏe. Rồi 10 phút xem một bài giảng online để có thêm kiến thức. Mấy chục phút để bắt đầu viết một bài viết. Và mọi cảm giác khó chịu nhất thời này cũng sẽ qua, nhường chỗ cho những cảm giác tích cực khác. Chỉ cần bạn cho mình một cơ hội để thực sự hành động.
Khi hoàn thành công việc, bạn sẽ không bao giờ thấy hối tiếc
Theodore Roosevelt từng nói rằng: “Phần thưởng tuyệt vời nhất mà cuộc đời ban tặng chính là cơ hội được làm những việc đáng làm một cách chăm chỉ”. Chúng ta luôn muốn làm những việc đáng làm. Nhưng lại không muốn trải qua những khó khăn gian khổ khi làm công việc đó. Chúng ta luôn muốn kết quả cuối cùng. Nhưng không muốn trải qua những thất bại trước khi có thể đạt được thành tựu.
”Ai cũng muốn huy chương vàng. Nhưng hiếm người muốn tập luyện như một vận động viên Olympic”.
Đúng là có những ngày tôi thực sự mệt mỏi. Đến nghĩ thôi cũng mệt mỏi. Dường như mọi thứ đều chống lại tôi, khiến tôi nghiêng hẳn về phía bỏ cuộc. Nhưng khi nghĩ đến cảm giác tuyệt vời mỗi khi hoàn thành công việc, tôi luôn cố gắng đưa ra lựa chọn tiếp tục. Và chưa bao giờ tôi thấy hối hận vì lựa chọn này của mình.
James Clear đã đúc kết lại bằng câu nói tuyệt vời. “Đôi khi hành động đơn giản bạn cần làm là can đảm bước ra khỏi những suy nghĩ của mình và thực hiện công việc, dù ở mức độ trung bình. Đây đã là một chiến thắng đáng để ăn mừng”.
Đơn giản đó là cuộc sống
“Cuộc sống là việc liên tục cân bằng giữa việc dễ dàng rơi vào xao nhãng và vượt qua khó khăn để tuân thủ kỷ luật. Không phải nói quá khi cho rằng cuộc sống và danh tính của chúng ta được định nghĩa bởi chính sự cân bằng mong manh này.”
“Cuộc sống là gì, nếu không phải là tổng cộng hàng trăm nghìn trận chiến mỗi ngày để đưa ra những quyết định nhỏ như nên tiếp tục hay từ bỏ? Khoảnh khắc bạn không muốn làm việc? Đó không phải là khoảnh khắc bạn không nên có và cần loại bỏ. Đó chỉ đơn giản là một trong nhiều khoảnh khắc của cuộc sống. Hãy trải nghiệm chúng theo cách mà bạn có thể tự hào”.
Bí mật để bạn tiếp tục
Đó là: “show up”.
Hãy xuất hiện. Làm công việc của mình, đừng trốn chạy. Rất đơn giản nhưng không hề dễ dàng. Tôi biết. Nhưng tôi cũng biết đó là điều mà bạn nên thử. Bắt đầu là một lần, rồi sau đó là nhiều lần nữa trong cuộc đời.
Bạn vẫn lo lắng kể cả khi đã thực sự làm việc, kết quả vẫn không được như ý? Liệu rằng những gì bạn làm đã là những điều tốt nhất hay chưa? Liệu bạn có tiến tới được những mục tiêu của mình?
James khẳng định chắc nịch: “Việc của tôi là thực hiện công việc đó. Còn lại hãy để thế giới quyết định”.
Lời cuối
Tôi cũng chỉ là cá thể nhỏ bé trong số hơn 7 tỷ người trên hành tinh này. Không có điều gì quá đặc biệt, chưa có thành tựu gì nổi bật để khiến người khác phải trầm trồ. Hàng ngày tôi vẫn phải đấu tranh vì những điều nhỏ nhặt, kiếm tiền để trang trải cuộc sống và cố gắng bám trụ với những gì mình cho là đúng đắn. Nhưng tôi nghĩ chính vì vậy mà những gì tôi viết sẽ có những nét tương đồng với cuộc sống của mọi người.
Trước đây, tôi không tin vào những điều đơn giản. Tuy nhiên, khi bắt đầu sống tối giản, tìm hiểu thêm về những phương thức làm việc hiệu quả để tiến tới thành công, tôi thường thấy câu trả lời nằm ở những điều đơn giản. Tất nhiên, đơn giản nhưng không phải dễ dàng. Nhưng một khi bạn hiểu và có niềm tin vào những điều đó, chúng sẽ tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống của bạn.
Tôi là người không tin vào những điều kỳ diệu diễn ra trong một đêm. Làm việc chăm chỉ hàng ngày, kiên trì với mục tiêu của mình và nhân rộng những khoảnh khắc đó lên, theo thời gian, tôi nghĩ mình sẽ tìm được bến bờ mình cần tới. Nếu bạn cũng có những quan điểm như tôi, tôi nghĩ chắc chắn bài viết này sẽ hữu ích với bạn, theo cách này hay cách khác.
Chúc mọi người không chỉ có đam mê mà còn có sự kiên cường gan góc, dám “show up” và hoàn thành công việc của mình. Để một ngày nào đó, bạn sẽ tự hào vì tất cả những gì bạn đã làm được.
Khi bạn sẵn sàng, đây là 4 cách mình có thể giúp bạn:
1. Đặt lịch hẹn tư vấn miễn phí 30 phút với The Introvert Writer để được giải đáp các vấn đề liên quan đến hiểu về bản thân, rèn luyện tư duy, kỹ năng phù hợp để tự tin phát triển bản thân và sự nghiệp.
2. Sử dụng các dịch vụ done-for-you từ The Introvert Writer để rút ngắn hành trình phát triển của bạn. Hiện tại mình đang cung cấp dịch vụ tạo blog cá nhân và dịch vụ viết bài chuyên nghiệp.
3. Tham gia các khoá học online tự học theo tiến độ với chi phí hợp lý giúp phát triển kỹ năng (Kickstart Your Website nhằm phát triển kỹ năng làm blog/website, Writing Online Jumpstart nhằm phát triển kỹ năng viết online).
4. Tham gia các khoá học đồng hành 1:1 (5 khoá chuyên biệt – Write to Success về viết, Dreamer to Blogger về blog, Your Heart Centered Brand về thương hiệu cá nhân, Product Service Blueprint về sản phẩm dịch vụ, Way to Freedom – khoá học đặc biệt chuyên sâu hướng dẫn lộ trình từ A-Z phát triển sự nghiệp tự do) để The Introvert Writer đồng hành cùng bạn phát triển kỹ năng, xây dựng sự nghiệp, tự chủ về thời gian, gia tăng thu nhập và sống đời mơ ước.
Cảm ơn chị đã hiện diện ở đây và viết ra những điều quý báu này. Biết ơn vũ trụ vì đã giúp em kết nối tới đây ! Biết ơn ❤️
Chị cũng rất biết ơn khi đọc được những comment từ em. Hy vọng rằng sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ từ em cho những bài viết trong tương lai. Chúc em luôn vững tin trên con đường của mình nha!
Cám ơn Quỳnh về những chia sẻ, vào blog của Quỳnh mình thấy có mình trong đó, nhất là đoạn “show up”, mình gần như đã từ chối việc này… nhưng mình sẽ bắt đầu nghĩ lại.
Cảm ơn bạn. Mình đã từng như vậy, nhưng khi nhìn theo một hướng khác, điều này (show up) cũng khá thú vị. Bạn hãy thử một lần xem sao nhé!